Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước nắm tình hình kinh tế - xã hội trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV
Thứ năm - 12/10/2023 17:452530
Để chuẩn bị các nội dung cho kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, sáng 12/10, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước tổ chức hội nghị nắm tình hình kinh tế - xã hội năm 2023; triển khai lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điểu Huỳnh Sang chủ trì hội nghị.
Lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ban, ngành và địa phương dự hội nghị
Hội nghị được nghe đại diện UBND tỉnh báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong 9 tháng năm 2023; những khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân cũng như phương hướng, nhiệm vụ những tháng còn lại của năm.Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Mi đề nghị Quốc hội tháo gỡ khó khăn cho việc đấu giá đất tại địa phươngThay mặt UBND tỉnh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phan Thị Kim Oanh báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong 9 tháng năm 2023; những khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân; phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội những tháng còn lại của năm 2023 Phát biểu tại hội nghị, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điểu Huỳnh Sang cho biết: Kỳ họp Quốc hội lần này sẽ xem xét cho ý kiến về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có rất nhiều dự án luật, nghị quyết liên quan đến một số lĩnh vực tài nguyên - môi trường, đất đai, đầu tư, thuế, giao thông, công thương và một số lĩnh vực khác… Đối với dự án Luật Đất đai sửa đổi, đã trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4, được tiếp tục xem xét tại kỳ họp thứ 5 và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 6. Đây là dự án luật tác động đến mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội của đất nước.
Góp ý cho dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, đại diện các cơ quan, đơn vị đã có nhiều ý kiến, kiến nghị liên quan đến một số nội dung: Về quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền hằng năm; giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất; các loại đất thực hiện dự án nhà ở thương mại; phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất; các chỉ tiêu sử dụng đất tại nội dung quy hoạch sử dụng đất quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện cần phải thống nhất; thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; việc tách thửa, cấp giấy chứng nhận quyền sử đất đối với các thửa đất liên quan đến các bản án dân sự, hôn nhân gia đình...
Tại hội nghị các đại biểu cũng nêu ra những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và kiến nghị, đề xuất đối với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương về những vướng mắc, bất cập trong công tác quản lý nhà nước tại đơn vị, địa phương. Đồng thời, đề nghị trong đợt sửa đổi các luật lần này phải có sự thống nhất giữa các luật với những thông tư, nghị định, hướng dẫn để tránh gây khó khăn, vướng mắc cho đơn vị chuyên môn, địa phương khi thực hiện.
Lãnh đạo các đơn vị, địa phương đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo Luật Đất đai sửa đổi và kiến nghị những khó khăn, vướng mắc đến Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Mi cho biết: Dù khó khăn chung nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2023 của Bình Phước tăng trưởng tốt, luôn dẫn đầu trong khu vực. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp khá, tỉnh nằm trong top cao của cả nước về thu hút đầu tư, lĩnh vực xuất nhập khẩu cũng phục hồi, các dịch vụ trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh... Tuy nhiên, Bình Phước vẫn còn 2 hạn chế, đó là giải ngân vốn đầu tư công và thu ngân sách nhà nước đạt thấp do vướng Nghị định 10 và Nghị định 44 về bán đấu giá sử dụng đất dẫn đến nguồn thu giảm. Chính vì vậy đề nghị Quốc hội tách bạch 2 nghị định này để tháo gỡ khó khăn cho địa phương.